Nhiều điểm nhấn quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2019 của ngành xây dựng

Nhiều điểm nhấn quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2019 của ngành xây dựng

Báo cáo sơ kết của Bộ Xây dựng cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong các lĩnh vực của ngành xây dựng vẫn duy trì ổn định và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 8.711 doanh nghiệp xây dựng mới được thành lập, chiếm 13% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tương đương cùng kỳ; 4.014 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chiếm 6%, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường bất động sản tiếp tục thu hút đáng kể các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước. Đáng chú ý, hoạt động xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 7,85% so với cùng kỳ năm 2018, đóng góp 0,48 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,43%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,79%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Đến nay, tỉ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 38,6% (tăng 0,2% so với cuối năm 2018), tỉ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 87% , tăng 1% so với 2018; tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86%, tương đương năm 2018; tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 21% , giảm 0,5% so với 2018.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24,25 m2 sàn/người, tăng 0,25 m2 sàn/người so với 2018. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 50 triệu tấn, đạt 51% kế hoạch năm (trong đó tiêu thụ trong nước: 33,7 triệu tấn, xuất khẩu: 16,3 triệu tấn.

Cùng với những kết quả cụ thể này, Bộ Xây dựng đã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung cho việc hoàn thiện dự án Luật Kiến trúc, hoàn thiện hồ sơ và xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; sửa đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật về xây dựng phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi 37 Luật liên quan đến quy hoạch và bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật về xây dựng; các vấn đề liên quan đến Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý phát triển đô thị.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về cấp phép xây dựng.

Một trong những nhiệm vụ cũng đang được Bộ Xây dựng tập trung thực hiện là đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Đề án: Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo. Sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá đã bộc lộ rõ những bất cập, không còn phù hợp, cản trở thực tiễn.

Công tác quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, quản lý nhà và thị trường bất động sản, quản lý, phát triển vật liệu xây dựng… đều có chuyển biến mạnh mẽ theo hướng nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước gắn với đẩy mạnh phân cấp vàủy quyền hợp lý.

Tính đến hết tháng 6/2019 Bộ Xây dựng thực hiện 163 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của cả năm 2019.

Trong đó trọng tâm là tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tập trung nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, quản lý dự án, cấp chứng chỉ năng lực, cấp phép xây dựng.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, vừa đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi và sự chủ động tối đa cho các địa phương… Chủ động đề xuất các giải pháp để nâng hạng chỉ số Cấp phép xây dựng năm 2019 tăng 1 bậc, tiến tới đến năm 2021 lên từ 2-3 bậc…

Nguồn: Báo Chính Phủ