MỘT SỐ KIẾN THỨC TỔNG QUÁT VỀ GỖ CÔNG NGHIỆP – PHẦN 1

MỘT SỐ KIẾN THỨC TỔNG QUÁT VỀ GỖ CÔNG NGHIỆP – PHẦN 1

Có thể thấy hiện nay, thị trường nội thất đang phát triển mạnh cùng với rất nhiều chủng loại vật liệu mới, đem lại cho người sử dụng những trải nghiệm mới mẻ. Khi nhắc đến vật liệu nội thất, chắc hẳn không thể không đề cập đến Gỗ công nghiệp- một loại vật liệu đang được sử dụng phổ biến trong tất cả các hình thức không gian nội thất.

Bài viết này xin phép không đề cập quá chuyên sâu đến các thông số kĩ thuật cũng như quy khách sản xuất các loại ván công nghiệp. Nôi dung bài viết muốn hướng đến là kiến thức tổng quát về những loại Gỗ công nghiệp cơ bản và thông dụng nhất , để từ góc nhìn những người tiêu dùng không có chuyên môn cao vẫn có cơ hội tìm hiểu và nắm được thông tin một cách dễ dàng.

Với đề tài này Chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn hai phần:

  • Phần 1: Phân loại gỗ công nghiệp theo lõi ván
  • Phần 2: Phân loại bề mặt phủ của gỗ công nghiệp

Hôm nay xin giới thiệu tới các bạn phần 1 Phân loại gỗ công nghiệp theo lõi ván.

  1. Tấm gỗ CN PB (Particle board)- MFC:

– Tiếng Việt thông dụng gọi là ván dăm. Ván gỗ dăm là gỗ nhân tạo được sản xuất từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn, keo, cao su…). Người ta băm nhỏ cây gỗ này thành các dăm gỗ, kết hợp với keo, ép tạo độ dày thành dạng tấm dưới cường độ áp suất cao. Vì vậy nhìn vào mặt cắt ván có thể thấy độ mịn bề mặt thấp, nhiều dăm gỗ.

– MFC (Melamine Faced Chipboard) là sự kết hợp giữa ván dăm được phủ bề mặt Melamine (sẽ được đề cập ở phần 2). Có thể hiểu 1 cách đơn giản là cái tên MFC không chỉ định nghĩa về lõi ván mà còn cả bề mặt Melamine
– MFC kháng ẩm: Là hình thức cao cao cấp hơn của MFC, có lõi dăm lẫn màu xanh.

– So với các loại ván công nghiệp khác, MFC có chất lượng thấp hơn, tuy nhiên giá thành thấp, phù hợp với phân khúc khách hàng phổ thông đến trung cấp.

Ảnh: Ván dăm thông thường

 

2. Tấm gỗ công nghiệp MDF (Medium Density Fiberboard)

– Dịch ra tiếng Việt là Ván sợi ép với tỉ trọng trung bình. Cái tên này mô tả công thức sản xuất của ván MDF: quy trình này gần giống với MFC, tuy nhiên các cây gỗ, vụn gỗ được nghiền nát thành bột rồi gia công ép lại thành tấm theo quy cách. Vì vậy nhìn vào mặt cắt lõi MDF có độ mịn bề mặt cao hơn MFD.

– MDF HMR (MDF kháng ẩm): Là dòng sản cáo cấp hơn của MDF, có độ chịu ẩm cao hơn và thường có màu xanh

– MDF HFR (MDF chống cháy): Không thông dụng, thường dùng cho cửa chung cư và những chi tiết yêu cầu chống cháy.

Ảnh: (Từ trái qua) MDF thông thường- MDF kháng ẩm- MDF chống cháy

3. Tấm gỗ công nghiệp HDF (High density Fiberboard)

– Dịch ra tiếng Việt là Ván sợi ép với tỉ trọng cao. Như vậy có thể thấy, HDF thực ra về bản chất cũng giống MDF, tuy nhiên được ép với tỉ trọng cao hơn nên có độ cứng, độ chịu nhiệt, chống thấm nước, chống va đập- cong vênh tốt hơn MDF. Nhìn vào mặt cát lõi HDF sẽ thấy độ mịn bề mặt cao hơn MDF

– Tương tự MDF, HDF cũng có dòng chuyên biệt là HDF kháng ẩm và HDF chống cháy, ngoài ra An Cường còn phát triển thêm dòng HDF lõi đen chịu ẩm, chịu nước cao.

4 Tấm gỗ công nghiệp Plywood:

Gỗ Plywood thường được gọi là ván ép có lõi là gỗ rừng trồng (Bạch đàn, keo) Chúng được hiểu là loại ván gỗ được tạo ra từ nhiều lớp ván mỏng có cùng kích thước xếp chồng lên nhau môt cách liên tục theo hướng vân gỗ của mỗi lớp. Các lớp này dán với nhau bằng keo Phenol hay Formaldehyde, sau đó được ép bằng máy ép thủy lực tạo ra ván gỗ plywood hay còn gọi là ván ép.

– Gỗ Plywood có những ưu điểm là độ cứng cao, chịu ẩm và chịu nước lạnh tốt. Thường được sử dụng trong xây dựng hoặc các chi tiết nội thất trong toilet, cửa gỗ CN.

Ảnh: Tấm gỗ CN Plywood 

5. Tổng kết:

Một số lưu ý:

  • Nhầm lẫn thứ nhất: chữ “M” trong MFC và MDF là một, đây là một khái niệm không đúng. Như đã đề cập ở trên. Chữ “M” trong MFC nghĩa là Melamine, có tính định nghĩa về bề mặt phủ, còn chữ “M” trong MDF mang tính chất thể hiện cốt lõi ván, nó dùng để phân biệt với chữ “H” của HDF.
  • Nhầm lẫn thứ 2: đánh đồng MDF kháng ẩm và HDF. Về bản chất HDF có  tỷ trọng ép cao hơn MDF nên có độ chịu ẩm tốt hơn. Vì vậy người dùng thường nhầm lẫn HDF và MDF kháng ẩm.
  • Ván kháng ẩm luôn có màu xanh: Điều này không hoàn toàn đúng vì đây chỉ là màu để phân biệt của nhà cung cấp. Bài phân tích này dựa trên sản phẩm của nhà cung cấp An Cường, tuy nhiên vẫn có một số nhà cung cấp ván kháng ẩm khác có lõi không là màu xanh.

 

 

Tùy thuộc vào mục đích đầu tư và nhu cầu cũng như thời gian sử dụng các chi tiết nội thất, chúng ta có thể lựa chọn chủng loại gỗ công nghiệp thích hợp. Ngoài phần lõi ván, một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định nên giá trị và đảng cấp của không gian nội thất là phần Bề mặt phủ lên gỗ công nghiệp- xin được gửi đến người đọc ở Phần 2: Phân loại bề mặt phủ của gỗ công nghiệp

Văn Hồ Hoàng Nguyên

Kiến trúc sư thiết kế nội thất

Nguồn tham khảo:

https://www.ancuong.com/

http://congtysango.blogspot.com/

https://www.linkedin.com/

https://tanviendeco.vn/