BẢO HIỂM TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

BẢO HIỂM TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

Hoạt động xây dựng là ngành nghề quan trọng trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam. Xây dựng ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng của đất nước. Chính vì vậy, nhà nước đã có rất nhiều quy định khắt khe đối với lĩnh vực xây dựng. Trong đó phải kể đến bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng đối với một số ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng!

Theo quy định tại Điều 2 NĐ 119/2015/NĐ-CP về đối tượng phải tham gia bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm:

  1. Chủ đầu tư, nhà thầu (trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng).
  2. Nhà thầu tư vấn.
  3. Nhà thầu thi công xây dựng.
  4. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi là “doanh nghiệp bảo hiểm”), doanh nghiệp tái bảo hiểm.
  5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên không phải mọi đối tượng được nêu tại điều 2 NĐ 119/2015/NĐ-CP đều phải tham gia bảo hiểm bắt buộc. Hiện nay quy định về việc các đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được cụ thể hóa tại khoản 2 Điều 9 Luật Xây dựng 2014 và điều 4 NĐ 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015. Cụ thể:

Khoản 2 Điều 9 Luật Xây dựng 2014 quy định về Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định như sau:

a) Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp;

b) Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên

c) Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.

Điều 4 NĐ 119/2015/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:

1. Trừ các công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình sau:

a) Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 46/2015/NĐ-CPngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

b) Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III Nghị định số 18/2015/NĐ-CPngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

c) Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

2. Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên

3. Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.

=> Như vậy:

Không phải mọi doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động xây dựng đều phải tham gia bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đối mới một số ngành nghề như TVGS và QLDA thì Pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khi tham gia hoạt động xây dựng.

Tuy nhiên nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Nghị định 119/2015/NĐ-CP mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.

Trần Thị Quý

Chuyên viên pháp lý xây dựng
Công ty TNHH BENIHOME