Gỡ vướng về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

Gỡ vướng về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Ông Đỗ Mạnh Trung (Ninh Bình): Tôi là 1 hộ gia đình, đang xin chủ trương quyết định đầu tư xây dựng cơ sở ép vỏ trấu thành củi thân thiện với môi trường từ 100% nguyên liệu là vỏ trấu, diện tích 408m2, công suất dự kiến 1.800 tấn/năm. Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu gia đình tôi phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với lý do xử lý chất thải rắn nguy hại. Xin hỏi gia đình tôi có phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường không? Nếu có thì theo văn bản nào?

Tổng cục Môi trường trả lời: Theo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phế phẩm nông nghiệp là chất thải từ các hoạt động sản xuất. Vì vậy, dự án có sử dụng các phế phẩm trên làm nguyên liệu sản xuất là dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải.

Theo quy định tại Mục 40 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, dự án ông hỏi thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện các thủ tục môi trường khác theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý chất thải.

Kết quả hình ảnh cho Gỡ vướng về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

2. Ông Đoàn Văn Ký (Hà Nội): Tôi có một dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế rác thải sinh hoạt (rác thải hữu cơ) để sản xuất phân bón hữu cơ, công suất < 10.000 tấn/năm. Xin hỏi, dự án có công suất như vậy có phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường không, và áp dụng theo văn bản nào?

Tổng cục Môi trường trả lời: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế rác thải sinh hoạt (rác thải hữu cơ) thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định tại Mục 40 Phụ lục II Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

3. Ông Nguyễn Huỳnh Thư Ca (Phú Yên): Tôi chuẩn bị thực hiện thủ tục về môi trường đối với một số dự án như sau: Dự án xây dựng trụ sở cơ quan, dự án trồng rừng sản xuất.

Các dự án không thuộc Phụ lục 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP nên không phải lập đánh giá tác động môi trường. Vậy quá trình lập thủ tục môi trường có xét đến lượng nước thải sinh hoạt phát sinh để xác định lập kế hoạch bảo vệ môi trường cấp huyện hay cấp tỉnh không? Các dự án không thuộc Phụ lục 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thì thủ tục môi trường được thực hiện như thế nào?

Tổng cục Môi trường trả lời: Trên cơ sở nội dung của toàn bộ dự án và của từng hạng mục công trình của dự án, ông căn cứ Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (Phụ lục II) để xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc căn cứ Khoản 11, Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP để xác định đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
Trường hợp dự án thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, trách nhiệm xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của cơ quan chuyên môn bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện đã được quy định cụ thể tại Khoản 12, Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

4. Ông Nguyễn Văn Hành (Đà Nẵng): Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thì việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện thông qua việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc ý kiến chuyên gia. Vậy cho tôi hỏi. các ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia được thể hiện theo mẫu báo cáo như thế nào? Được quy định tại văn bản nào?

Hiện nay chúng tôi đang có dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng khi gửi cho các tổ chức và các chuyên gia thì các cơ quan, tổ chức và chuyên gia không nhận vì không có quy định, thông tư hướng dẫn.
Tổng cục Môi trường trả lời: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP để thay thế Thông tư số 27/2015/TT-BNMT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm các mẫu văn bản phục vụ việc xin/cho ý kiến.
Thời điểm hiện tại, Dự thảo đang trong giai đoạn xin ý kiến và cơ quan có thẩm quyền rà soát theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Thư viện pháp luật