GIÀN GIÁO TRONG THI CÔNG XÂY DƯNG

GIÀN GIÁO TRONG THI CÔNG XÂY DƯNG

“Giàn giáo” là một hệ thống khung thép được liên kết với nhau một cách chặt chẽ bằng hệ thống khóa hoặc bu lông, đinh vít. Cấu trúc khung thép này được dùng để nâng đỡ con người trong quá trình xây dựng các công trình ở những vị trí cao mà con người không thể với tới được khi đứng trên mặt đất. Bên cạnh đó, giàn giáo còn là hệ thống khung đỡ, giằng chống, định hình coppha đổ bê tông.

Ngoài ra, nó còn được dùng cho nhiều mục đích khác như bảo trì, vệ sinh, lắp đặt các chi tiết công trình, thậm chí trong một số trường hợp giàn giáo còn được sử dụng trong công tác cứu hỏa.

PHÂN LOẠI GIÀN GIÁO

Có nhiều loại giàn giáo xây dựng, mỗi loại có công dụng, chức năng cơ bản khó thay thế, dựa vào chức năng có thể chia ra làm những loại chính sau: Giàn giáo khung, giàn giáo nêm, giàn giáo Ringlock, giàn giáo Coma (giáo chữ A).

  1. Giàn giáo khung.

Một bộ giàn giáo khung trong xây dựng tiêu chuẩn đầy đủ bao gồm: Khung giàn giáo, Giằng chéo và các phụ kiện kèm theo như: kích tăng, cùm xoay, Cầu thang giàn giáo, mâm giàn giáo (sàn thao tác), Bánh xe, Chân giàn giáo và cây chống giàn giáo.

  • Cấu tạo
  • Khung giàn giáo : bộ phận chịu lực chính của hệ giáo khung.
  • Tay giằng chéo: liên kết các khung giàn giáo (chân giáo) đứng cố định.
  • Phụ kiện đi kèm (tùy thuộc mục đích sử dụng) : cùm (cùm xoay, cùm cố định), thang giáo, mâm giáo, kích U, chân đế, bánh xe.

                                                                           Giàn giáo Khung

  • Đặc tính
  • Ưu điểm :

+ Gọn nhẹ, dễ dàng tháo lắp, vận chuyển.

+ Thuận tiện sử dụng cho nhiều công tác thi công khác nhau : chống sàn, bao che ngoài, khung di chuyển lắp đặt thiết bị, sửa chữa,…

  • Nhược điểm :

+ Sức chịu tải là thấp nhất so với các hệ giàn giáo khác (giáo nêm, ringlock, coma,…).

+ Công tác quản lý thiết bị khó khăn hơn : vật tư nhỏ nhẹ, dễ bị thất lạc hoặc móp méo, hư hỏng.

+ Do cấu tạo giằng chéo nhiều, cũng như chiều cao của chân giáo làm hạn chế không gian thao tác hoặc đi lại nếu thi công bên dưới giàn giáo.

  Giàn giáo Khung được sử dụng làm hệ bao che ngoài

  1. Giàn giáo nêm
  • Cấu tạo

  • Cây chống đứng : chịu lực chính cho hệ
  • Thanh giằng : liên kết các cây chống đứng, giữ ổn định cho hệ.
  • Tai giằng : là vị trí liên kết giữa cây chống và thanh giằng.
  • Phụ kiện khác : chân đế, tăng U, cây chống consol, ống nối giáo,…
  • Đặc tính
  • Ưu điểm :

+ Thời gian tháo lắp nhanh hơn hẳn so với hệ giáo khung.

+ Khả năng chịu tải cao, áp dụng được với những kết cấu tải trọng lớn.

+ Hệ giáo bao gồm các bộ phận tách biệt (chân giáo, tay giằng), dễ bó tròn, nên tiết kiệm chi phí vận chuyển ,tập kết và bảo quản thiết bị sử dụng ít không gian hơn.

+ Các bộ phận có độ dày cao hơn so với giàn giáo khung, khó bị móp méo, hư hỏng.

+ Tạo được không gian thi công, lối đi lại thoải mái hơn giàn giáo khung.

+ Chi phí đầu tư ban đầu không cao, có thể luân chuyển được nhiều lần (do khó bị hư hỏng).

  • Nhược điểm :

+ Cấu tạo tay giằng dễ tháo hơn so với các loại giàn giáo khác, giúp thao tác nhanh chóng hơn, tuy nhiên dễ mất tính ổn định, dễ rung lắc nếu cán bộ không quản lý tốt khi có người thao tác dưới hệ giàn giáo.

Hệ giàn giáo nêm sử dụng trong công trình

  1. Giàn giáo Ringlock (giàn giáo đĩa).

Hệ giáo Ringlock hay còn được gọi là hệ giáo đĩa, hệ giáo hoa thị. Là loại giàn giáo hoàn thiện nhất và được đánh giá là chất lượng nhất hiện nay. Hệ giáo Ringlock có xuất phát điểm là hệ giáo NêmNgười Đức đã cải tiến các khớp nối của hệ giàn giáo Nêm khiến cho giàn giáo trở nên cứng cáp hơn và đặt tên là Hệ Giáo Ringlock.

  • Cấu tạo
  • Thanh chống đứng : chịu lực chính cho hệ ringlock
  • Thanh giằng ngang: liên kết các thanh chống đứng, tạo ổn định cho hệ.
  • Đầu thanh giằng : kết nối thanh giằng với cây chống đứng qua lên kết với mâm đĩa.
  • Chống đà giữa : tăng cường ổn định của hệ chống.
  • Chống consol : liên kết giữa chống đứng và chống ngang tạo ra hệ consol chịu lực.
  • Mâm đĩa : bộ phận gắn ở giữa chân chống đứng, là vị trí để thanh giằng liên kết vào.
  • Chốt giàn giáo : cố định các thanh giằng và khung lại với nhau.
  • Đặc tính
  • Ưu điểm

+ Tương tự các ưu điểm của giàn giáo nêm : thuận tiện cho vận chuyển, tập kết và bảo quản thiết bị; không gian thi công và lối đi lại thông thoáng; khó hư hỏng, móp méo, khả năng luân chuyển cao.

+ Chân chống và giằng chéo có chiều dày lớn, khả năng chịu lực cao; tay giằng cố định vào chân chống bằng khóa, tăng liên kết cho hệ; khác với giáo nêm chỉ liên kết được 2 phương, giàn giáo ringlock có cấu tạo đĩa tròn giúp liên kết được nhiều phương.

+ Độ an toàn trong thi công lớn.

  • Nhược điểm :

+ Nặng hơn so với giàn giáo nêm, vận chuyển và lắp dựng tiêu tốn nhiều thời gian hơn.

+ Cấu trúc liên kết chắc chắn nên sẽ tiêu tốn nhiều nhân công lắp dựng và tháo dỡ hơn.

+ Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn.

Hệ giàn giáo ringlock sử dụng trong công trình

  1. Giàn giáo PAL (giáo chữ A – giàn giáo coma)

Giàn giáo PAL được thiết kế dựa trên nguyên tắc một khung giàn tam giác. Khi lắp ráp các đoạn được xếp chồng và tạo nên trụ giáo có chân đế hình vuông, cạnh 1200x1200mm. Hoặc chân đế hình tam giác với cạnh 120mm. Khung tam giác này đặt trên khung tam giác kia cho đến khi đạt độ cao yêu cầu.

Hệ giàn giáo PAL sử dụng trong công trình

  • Cấu tạo

  • Khung giàn tam giác tiêu chuẩn.
  • Khớp nối – Chốt giữ khớp nối.
  • Kích ren được hàn vào đế và tấm đầu.
  • Thanh giằng chéo, thanh giằng ngang.
  • Đặc tính
  • Ưu điểm:

+ Chịu được tải trọng lớn và siêu lớn : với cấu trúc chắc chắn, giàn giáo Pal được sử dụng nhiều tại các công trình hoặc hạng mục lớn như tầng hầm, cầu, cảng,…

+ Kết cấu vững chắc, an toàn.

  • Nhược điểm :

+ Kích thước giáo Pal lớn, nặng nề, thời gian lắp đặt – tháo dỡ lâu hơn.

+  Chi phí đầu tư ban đầu lớn.

 

Nguyễn Tuấn Vũ

Kỹ sư Tender – QS – Purchase

Nguồn tham khảo :

+ http://giangiaophuhung.com/

+ http://giangiaoxaydung.com.vn/